Lịch Âm Dương

PDF Drucken E-Mail
Geschrieben von: Vo Quang Chau   
Samstag, den 04. Dezember 2010 um 00:12 Uhr

Nhờ ngoại cảm, tìm ra hài cốt phi công sau 35 năm
Việt Long, phóng viên RFA
2010-08-01

Thưa quý thính giả, cùng lúc với tin 2 cựu binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa hướng dẫn bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đak Nông khai quật và cải táng hài cốt 40 bộ đội miền Bắc tử trận năm 1995, báo chí Việt ngữ tại California loan tin các cựu quân nhân không quân Việt Nam Cộng Hòa ở trong và ngoài nước bốc mộ được cho 8 quân nhân không quân bị bắn rơi trên bầu trời Sài Gòn vào đêm 28 rạng 29 tháng tư năm 1975.
Việt-Long tường trình thêm chi tiết.

Chúng tôi liên lạc được với hai cựu quân nhân không quân Việt Nam Cộng Hòa trong số 3 người đóng vai trò chính trong cuộc tìm kiếm đồng đội, mà câu chuyện sẽ được họ trình bày hiến quý vị sau đây.

Không bỏ đồng đội

Cựu đại úy Trần văn Phúc cho biết bối cảnh cuộc chiến đấu của các phi công Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn trong đêm 28 tháng tư, khi ông cùng nhiều đồng đội không quân bay tác chiến trên bầu trời Sài Gòn, với nhiệm vụ oanh kích các dàn hỏa tiễn 122 ly đang pháo kích vào thành phố, trước cuộc tổng tấn công cuối cùng của quân đội miền Bắc.

“Tôi đi bay chung với thiếu tá Trương Phùng. Lúc máy bay đó bị bắn rớt thì tôi mới đáp chừng 5, 7 phút. Tôi chứng kiến nên bao nhiêu năm trời trong lòng tôi như có gút. Bay cùng mà cuối cùng anh không đáp anh bay lên trở lại mà tôi hoàn toàn không biết gì hết.”

Cựu phi công Trần Văn Phúc cho biết một người khác cũng góp công trong việc tìm kiếm đồng đội, đó là cựu phi công Trương Nguyên Thuần, và ông kể lại cơ duyên đã tìm biết cựu không quân Nguyễn Chí đang ở Việt Nam, để cùng nhau cộng tác cho việc tìm kiếm các đồng đội đã hy sinh:

“Cách đây hơn ba năm tình cờ tôi vào website Cánh Thép thì biết Chí, nói chuyện rồi từ từ quen nhau. Anh em tâm sự thì Chí hứa sẽ tìm thiếu tá Trương Phùng. Từ anh Phùng mới dẫn dắt qua tìm chiếc Tinh Long 07 và một chiếc ACK 519 nữa rớt ở Tân Tạo.”

Ông Nguyễn Chí, hiện cư ngụ tại Sài Gòn, là người đã bỏ nhiều công sức trong nhiều năm vào công cuộc tìm kiếm hài cốt những đồng đội của ông trên ba chiếc máy bay lâm nạn vào những giờ phút cuối của cuộc chiến.

Ông Chí kể tiếp câu chuyện vừa được cựu phi công Trần Văn Phúc thuật lại sơ lược:

“Chính anh đại úy Trần Văn Phúc bay cùng với thiếu tá Phùng. Phi vụ Phi Long 51 của thiếu tá Phùng và đại úy Phúc bay lên để bảo vệ bầu trời Sài Gòn và Tân Sơn Nhứt. Lúc 3 đến 4 giờ sáng (ngày 28) thì hai chiếc khu trục đó bay lên hoạt động với Tinh Long 06. Khi chiếc này hết nhiên liệu đáp về căn cứ thì Tinh Long 07 mới lên.”

Nhưng công việc tìm đồng đội của họ đã được bắt đầu với việc tìm hài cốt một phi công khác cũng bị bắn rơi cùng ngày hôm đó trước lúc chiếc AC-119 trúng hỏa tiễn tầm nhiệt mà ông Phúc từng nói qua:

“Hai anh em quen thì tới gần ngày 30 tháng tư 2007 ảnh mới nói chuyến bay cuối cùng trong đời phi công khu trục của ảnh, là chuyến bay với thiếu tá Phùng. Từ đó hai anh em mới quyết tìm anh Phùng, vì em cảm thấy thương cho mấy anh hy sinh cho đất nước mà chẳng may trúng giờ thứ 25 của cuộc chiến, chẳng ai biết đến…

Không biết nhân duyên nào xui khiến mà em cảm thấy như có bổn phận tìm lại những người đó đem họ về với gia đình, với đồng đội để đền đáp phần nào sự hy sinh của họ đối với đất nước, trong đó có bản thân em… Em hứa với anh Phùng bằng mọi cách mọi thời gian em sẽ tìm được…”
Quá trình gay go

Ông Chí kể câu chuyện đã phải vất vả gay go ra sao khi cố tìm nơi chiếc phi cơ của thiếu tá Phùng bị rớt xuống và đã lấy được hài cốt viên sĩ quan này. Còn việc tìm chiếc AC-119 mang danh hiệu Tinh Long 07 đã được tiến hành bằng cách nào, vào thời gian 32 năm sau ngày gãy cánh?

“Thứ nhất là qua các trang tài liệu, hồi ký… của cả hai bên quốc cộng trên internet, nhờ đó mới tìm được những manh mối đầu tiên, từ đó mới đi qua khu vực nghe nói máy bay rơi, em hỏi thăm. Nó rơi vào ngay kho bom Tân Sơn Nhứt hồi xưa. Chuyện tìm ra nó đã khó rồi, làm sao xin được giấy phép vào khu vực trọng yếu đó để bốc những vị trong phi hành đoàn Tinh Long 07?”

Nhưng chẳng lẽ sau bao nhiêu năm chiếc máy bay và hài cốt người ta vẫn nằm y như vậy để có thể tìm ra và khai quật? Hay chuyện gì đã xảy tới sau khi máy bay rơi vào khu vực kho bom của phi trường Tân Sơn Nhứt?

“Đó là khu kho bom, là căn cứ quân sự từ thời Tây tới giờ…Khi nó rơi như vậy thì cháy mấy tiếng đồng hồ, rồi sau đó là 30 tháng tư 1975 vô, chắc là những cựu quân nhân không quân chế độ cũ được nhà nước mới trưng dụng vô dọn dẹp sân bay sau những ngày hoang tàn, thì anh em mới chôn những người trong phi hành đoàn Tinh Long 07 ngay chỗ máy bay rơi luôn. Sau đó thì chiếc máy bay này có lẽ là bị bán ve chai từ đời kiếp nào rồi. Bây giờ chỗ đó chỉ là cánh đồng hoang dã, người ta đang cải tạo lại để xây sân golf…”

Nhưng làm cách nào ông Chí có thể vào được nơi căn cứ quân sự trọng yếu đó?

“Việc xin giấy phép vô đó thì từ hồi nó còn là kho hỏa tiễn phòng không SAM 2, kho đạn đại bác phòng không, súng đạn đủ loại … Lúc đó mới khó chứ bây giờ cũng tương đối dễ hơn thôi.”
Lạ lùng nhưng hiệu nghiệm

Xong rồi nhóm bạn cũ không quân mới cùng các nhà ngoại cảm vô để tìm mộ hay sao?

“Thưa không. Làm gì có mộ! Chôn vùi chôn dập rất cạn. Nhưng con mắt những nhà ngoại cảm có cái sixième sense, giác quan thứ sáu. Họ đều sống rất đạm bạc, ăn chay trường. Nhờ điển linh hay sao đó, họ có thể nhìn thấy hài cốt dưới đất. Họ còn có thể tiếp xúc với những vong linh đó nữa.

Việc đó nó ngoài sự hiểu biết của mình. Phải nói thật với anh, em là người khoa học thực dụng, không mê tín dị đoan, nhưng đây là lần thứ hai em quan sát những nhà hoạt động tâm linh, những nhà ngoại cảm, lần thứ nhất là đối với thiếu tá Phùng, lần thứ hai là chiếc Tinh Long 07 này.

Đến bây giờ thì phải công nhận về ngoại cảm. Giữa một cánh đồng không mông quạnh như vậy mà biết chỗ nào? Nhưng đào xuống là có hài cốt liền. Đào 6 chỗ đều có hài cốt hết. Mà đó đâu phải là nghĩa địa, nếu nghĩa địa thì đào đâu cũng thấy có xương hết…”

Và ông Chí mô tả về những bộ hài cốt:

“Dùng những cái bay thợ hồ cào nhẹ ra thì thấy xương. Bốc lên tay nhẹ nhẹ thì còn nguyên dạng là những đốt xương, nhất là những xương khớp, xương sọ… Trung úy Trang Văn Thành là thấy rõ nhất, nguyên cái xương sọ, mặt của ảnh còn úp trong cát. Người ta gạt nhẹ cho đất rớt xuống, người ta tính bợ ra thì đụng vô nó sụp, tan chảy ra như kem vậy. Phơi nắng phơi mưa, nhất là mưa acid nữa thì nó không thể nào còn hình dáng nguyên vẹn được.”

Ông kể lại công việc rất lạ lùng nhưng đầy hiệu nghiệm của những nhà ngoại cảm. Đó là những người được nhờ làm một việc nhân đạo mà họ không bao giờ được phép lấy tiền công hay quà biếu, kể cả thực phẩm, vật phẩm... có chăng chỉ nhận tiền xe cộ mà thôi.

Khi vào tới nơi thì tất cả đều không nhận ra khung cảnh cũ như lúc ông Chí dẫn đồng đội cũ vào xem mà chưa tìm được nơi chôn hài cốt. Lúc này công ty khai thác đã đào xới theo quy hoạch cả khu vực này, dường như để xây khách sạn và sân golf. Địa thế hoàn toàn đảo lộn. Ba nhà ngoại cảm đã mang theo sẵn tấm bản đồ vẽ bằng tay theo sự chỉ dẫn của các vong linh, dựa vào điểm rơi của máy bay, nhưng nay không còn biết đâu là chỗ xác máy bay.

Ông Chí phải chỉ vào một chỗ ông đoán là đã có xác máy bay, mà ông cho là nhờ phù hộ, đã chỉ đúng. Nhờ thế bàn thờ được đặt đúng vào nơi phải đặt.

“Họ có bản đồ, mà căn cứ vào đúng bản đồ họ đem vô, chấm tâm điểm ngay chỗ bàn thờ, từ đó chiếu ra bao nhiêu mét, lấy thước đo rất cẩn thận, cắm cây nhang đánh dấu. (Theo cây nhang) đào một cái là trúng. Do đó họ xác định đây là mộ trung úy Trần Ngọc Thành, đây là mộ thiếu úy Thuận v.v… Nhờ vậy đào xuống là có cốt liền, còn tên là do họ nói cho biết.”

Năm tên trong số đó là do những người ngoại cảm được vong linh mách bảo, người tìm hài cốt không biết trước. Người cựu chiến binh không quân có công đầu trong việc tìm kiếm, khai quật và cải táng hài cốt đồng đội, ông Nguyễn Chí, cho biết nhiều thân nhân của những người tử trận đó đã liên lạc với ông hoặc chiến hữu của ông ở Mỹ, đến thăm hài cốt.

“Thân nhân của những người sau đây đã có liên lạc ngay từ đầu, là trung úy Trang Văn Thành, anh Thành mọi, hay Thành Cambodia là ảnh đó; thứ hai là co-pilot Tào Thuận, thì có liên lạc được, cho tới khi gần tiến hành thì có gia đình anh Phạm Tấn Đức mới liên lạc được. Lúc đó mới biết có navigator Phạm Tấn Đức trong phi vụ Tinh Long 07.

Còn ngoài ra năm vị còn lại đều không có gia đình liên lạc, cho tới giờ này cũng chưa có. Nên anh em mới nhờ các báo đài phổ biến lên, để nếu thân nhân đọc được thì người ta mới xác định được những người mà do các nhà ngoại cảm cung cấp đúng là có mặt trên phi vụ Tinh Long 07.”

Các anh em đồng đội cùng thân nhân của những người đã hy sinh đều đồng ý cải táng tất cả 8 người chung một chỗ.

“Dù là tám người nhưng có hai huyệt chôn chung hai người một huyệt, cho nên mới có sáu hũ trong hình như anh thấy. Tất cả những gia đình có mặt đều đồng ý để anh em nằm chung một mộ. Bởi vì họ nói 35 năm qua rồi các anh em đã chiến đấu, đã chết cùng nhau, đã nằm ngoài trời như vậy cũng 35 năm rồi… Gia đình không nỡ lòng nào chia cách họ ra…”

Nơi cải táng là nghĩa trang An Khánh, Thủ Thiêm, chôn ngày 24 /7/2010. Thân nhân cần tìm xin gọi số điện thoại 0909 253 966, hỏi ông Sáu để được ông Sáu chỉ dẫn đến ngôi mộ gọi là của "tám ông phi công".

Danh sách đầy đủ của các chiến sĩ vừa được đồng đội và người thân tìm lại là: Trang Văn Thành, Tào Thuận, Phạm Tấn Đức, Nguyễn Văn Chánh, Nguyễn Tiến Cường, Phan Văn Quốc, Phan Văn Duy và Trần Tiến Mạnh.

Nguồn: RFA


Zuletzt aktualisiert am Donnerstag, den 10. Januar 2013 um 11:54 Uhr